NHỮNG QUY ĐỊNH VÀ KỸ NĂNG CẦN BIẾT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TẠI CHUNG CƯ, CĂN HỘ

NHỮNG QUY ĐỊNH VÀ KỸ NĂNG CẦN BIẾT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TẠI CHUNG CƯ, CĂN HỘ

NHỮNG QUY ĐỊNH VÀ KỸ NĂNG CẦN BIẾT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TẠI CHUNG CƯ, CĂN HỘ

Ngày đăng: 13/10/2023

Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là các kỹ năng quan trọng, cần được mỗi người nắm rõ và tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng. Có sự hiểu biết về các phương pháp phòng cháy, chữa cháy sẽ giúp bạn có thể chủ động nắm bắt được tình hình, cách phòng tránh cháy nổ. Trong tình hình xảy ra hỏa hoạn có thể bình tĩnh xử lý, đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như người thân.

Đối với căn hộ, khu dân cư quy định về PCCC (theo Nghị định Chính phủ 79/2014/NĐ-CP) như sau:

1- Có quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm của khu dân cư.

2- Có thiết kế và phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư xây dựng mới.

3- Hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

4- Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.

5- Có phương án chữa cháy và thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

6- Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

7- Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.

 

Khi xảy ra hỏa hoạn, cần lưu ý một số kỹ năng xử lý tình huống như sau:

Xử lý cháy trong căn hộ:

Điều thứ nhất: Giữ bình tĩnh là điều quan trọng nhất phải làm, quan sát và đánh giá tình hình cháy nổ và nhanh chóng ngắt điện của căn hộ.

Điều thứ hai: Dùng bình chữa cháy để dập đám cháy. Lưu ý: Nếu đám cháy xuất phát từ bếp nơi có dầu ăn, tuyệt đối không dập lửa bằng nước, vì dầu nhẹ hơn nước, có thể nổi trên nước và làm đám cháy lan rộng hơn. Cùng lúc với dập lửa bằng bình chữa cháy, cần gọi ngay cứu hỏa bằng số điện thoại 114.

 

Điều thứ ba: Nếu thấy đám cháy đã lớn không thể khống chế và dập tắt được, bạn cần ngay lập tức thoát ra ngoài. Đóng cửa lại để khói và khí độc đừng lan ra các căn hộ khác và hành lang lối đi. Lấy khăn, vải tẩm ướt và bịt vào mũi, miệng để tránh khí độc.

Điều thứ tư: Lập tức hô hoán cho hàng xóm và các tầng khác bằng chuông báo cháy, loa, kẻng, hay bất kì cách nào để họ thoát khỏi nơi nguy hiểm.

Điều thứ năm: Xác định vị trí của cầu thang thoát hiểm và lập tức thoát ra ngoài. Tuyệt đối không đi thang máy.

Xử lý cháy ngoài căn hộ:

Trường hợp 1: Đám cháy hoặc khói đã lan ra hành lang

Đóng cửa lại và nhanh chóng dùng vải ( quần áo, chăn, màn,…) tẩm ướt bằng nước và bịt các khe cửa để hạn chế khói độc len vào căn hộ. Bạn cũng cần dùng 1 miếng vải tẩm nước để che mũi và miệng.

Di chuyển đến ban công hoặc các vị trí nào dễ dàng cho đội cứu hộ có thể thấy bạn. Gọi ngay cho 114 để báo về vị trí của bạn cũng như tình trạng đám cháy. Bạn cần giữ bình tĩnh và làm theo chỉ dẫn của 114. Bạn sử dụng các vật có màu sắc đặc biệt, bắt mắt, dễ phát hiện được từ xa ( có thể là quần áo, vải vóc màu sáng) để làm tín hiệu. Như vậy lực lượng cứu hộ có thể dễ dàng tìm thấy và giúp đỡ bạn. Trốn vào không gian kín như nhà vệ sinh, tủ quần áo,… không phải là biện pháp tối ưu trong phòng cháy chữa cháy.

Trường hợp 2: Đám cháy hoặc khói độc chưa lan tới hành lang

Để thoát ra bên ngoài một cách an toàn, bạn cần lưu ý các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị khăn, vải ướt che mũi và miệng để tránh khói độc.

Bước 2: Nhanh chóng xác định vị trí thang bộ thoát hiểm. Bạn cần chú ý đến các biển chỉ dẫn hướng tới cầu thang thoát hiểm (biển “Exit” ở các chung cư). Như đã đề cập ở trên, chúng ta tuyệt đối không nên đi thang máy. Trong lúc thoát hiểm phải báo động cho các hộ gia đình khác cùng thoát ra.

Bước 3: Nếu thấy khói độc đã lan tới hành lang, bạn đi khom thấp người, hoặc trườn, bò để hạn chế tối đa việc hít phải khói độc.

Bước 4: Khi mở bất kỳ cánh cửa nào cũng nên kiểm tra bằng mu bàn tay xem liệu lửa đã lan đến bên kia cánh cửa hay chưa? Nếu thấy quá nóng thì không nên mở cửa vì bên kia cánh cửa đã có cháy lan tới. Khi mở cửa bạn nên đứng sang một bên, không nên đứng trực diện với cửa để phòng ngọn lửa tạt vào mặt.

Bước 5: Trường hợp cấp bách cần băng qua ngọn lửa, bạn phải dùng tấm khăn, vải thấm nước bảo vệ đầu, mình rồi mới băng qua.

Kiến thức về phòng cháy chữa cháy là kiến thức xã hội quan trọng, nó có thể cứu bạn và giúp bạn cứu được nhiều người khác. Vì vậy các bạn cần trang bị những kiến thức này cho chính mình và người thân của mình, kể cả là con nhỏ trong gia đình.

___________________________________________

Thông tin liên hệ:

Website: https://hancin.vn

Hotline: 0869826166

Facebook: Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây lắp Hà Nội

0869826166